Cefadroxil thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng

670

Cefadroxil là thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin, được sử dụng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh viêm họng do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn tai mắt và nhiễm khuẩn đường ruột.


Cefadroxil thuốc điều trị nhiễm khuẩn

1. Cefadroxil là thuốc

DSCK1 Nguyễn Hồng Diễm giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Cefadroxil là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 1, dẫn chất para-hydroxy của Cefalexin, có tác dụng diệt khuẩn thông qua cơ chế ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách ức chế sự phát triển và phân chia của vi khuẩn. Kết quả là thành tế bào của vi khuẩn không bền vững, không hoàn chỉnh và vi khuẩn không có vách tế bào che chở sẽ bị phân hủy.

Phổ kháng khuẩn: Cefadroxil có tác dụng diệt khuẩn mạnh trên các chủng vi khuẩn Gram dương và có hoạt tính tương đối yếu trên các chủng vi khuẩn Gram âm. Các vi khuẩn Gram dương nhạy cảm bao gồm các chủng Staphylococcus có tiết và không tiết penicilinase, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes và các chủng Streptococcus tan huyết beta. Các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm tốt bao gồm Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoniae, và Moraxella catarrhalis. Haemophilus influenzae thường giảm nhạy cảm.

Cefadroxil khhoong bị ảnh hưởng bởi thức ăn, bền vững trong môi trường acid và được hấp thụ rất tốt ở đường tiêu hóa. Sau khi uống 1 giờ 30 phút đến 2 giờ thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. Cefadroxil gắn kết với protein huyết tương thấp khoảng 20%. Cefadroxil phân bố nhiều khắp các mô, dịch cơ thể, đồng thời đi qua nhau thai và bài tiết trong sữa mẹ. Thuốc không bị chuyển hóa. Cefadroxil được thải trừ trong nước tiểu ở dạng không đổi hơn 90 % so với liều sử dụng trong vòng 24 giờ qua thận. Thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương là 1 giờ 30 phút ở người chức năng thận bình thường. Ở người suy thận, thời gian bán thải kéo dài trong khoảng từ 14 đến 20 giờ.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Cefadroxil

  • Cefadroxil được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là
  • Viên nang cứng 250mg, 500 mg.
  • Viên nén 250mg, 500 mg, 1g.
  • Thuốc bột pha hỗn dịch uống, lọ 125 mg/5 ml, 250 mg/5 ml, 500 mg/5 ml.
  • Thuốc bột pha hỗn dịch uống, gói 125 mg, 250 mg.

Brand name:

Generic: Cefadromark-500, Cefadroxil, Cefadroxil 500-HV, Cefadroxil 1g, Cefadroxil 250 mg, Cefadroxil 250mg, Cefadroxil 250mg/5ml, Cefadroxil 500 -CGP, Cefadroxil 500 Glomed, Cefadroxil 500 mg, Cefadroxil Capsules USP 500mg, Cefadroxil EG 500mg, Gremoxil 500 mg, Gremoxil 250 mg, Giadrox 500, Cefadroxil PMP 250mg, Cein, Ceoparole Capsule, Cepemid 500, Etexaroxi cap. 500mg, Euroxil 500, Euzidroxin, Fabadroxil, Fabadroxil 1000DT, Fabadroxil 250 DT, Fabadroxil 500, Femicap Capsule 500mg, Fimadro, Fimadro-500, Fonroxil, Fonroxil 250, Franroxil 250, Franroxil 500, Fudaste 500mg, , Cefadroxil PMP 500mg, Cefadroxil pp, Cefadroxil TVP 250mg, Cefalvidi 250, Cefalvidi 500, Cefaplus-C, Cefdolin, Cefucefal.

3.Thuốc Cefadroxil được dùng cho những trường hợp nào

  • Cefadroxil được chỉ định điều trị các  bệnh lý nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm từ mức độ nhẹ và trung bình:
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản – phổi và viêm phổi thùy, viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm màng phổi, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm xoang.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm thận cấp và mạn tính, viêm bể thận cấp và mạn tính, viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn phụ khoa, viêm bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm như  viêm hạch bạch huyết, áp xe, loét do nằm lâu, viêm vú, viêm quầng, bệnh nhọt, viêm tế bào.
  • Các nhiễm khuẩn khác như viêm xương tủy, viêm khớp nhiễm khuẩn.

4.Cách dùng – Liều lượng của Cefadroxil

Cách dùng: Cefadroxil được dùng đường uống sau bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em > 40kg: Uống 500 mg – 1 g/lần x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em trên 6 tuổi (< 40 kg): Uống 500 mg/lần x 2 lần/ngày.
  • Người cao tuổi kèm suy thận: Uống liều khởi đầu 500 mg – 1000 mg/lần, liều tiếp theo được điều chỉnh như sau:
  • Thanh thải creatinine 0 – 10ml/phút, liều 500mg – 1000mg/lần, khoảng thời gian giữa 2 liều là 36 giờ.
  • Thanh thải creatinine 11 – 25 ml/phút, liều 500 mg – 1000 mg/lần, khoảng thời gian giữa 2 liều là 24 giờ.
  • Thanh thải creatinine 26 – 50ml/phút, liều 500mg – 1000mg/lần, khoảng thời gian giữa 2 liều là 12 giờ.
  • Thời gian điều trị phải dùng thuốc liên tục tối thiểu từ 5-10 ngày.
  • Tóm lại, tuỳ thuộc vào tuổi, tình trạng, mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng cụ thể, cách dùng thuốc và liệu trình điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách dùng liều lượng cefadroxil

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Cefadroxil

Nếu người bệnh quên một liều Cefadroxil nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Cefadroxil

Người bệnh dùng quá liều Cefadroxil thường có biểu hiện triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, quá mẫn thần kinh cơ, co giật ở người bệnh suy thận.

Xử lý khi quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc và đưa đến bệnh viện gần nhất để được điều trị triệu chứng. Loại thuốc ra khỏi đường hoá bằng biện pháp rửa dày dày thích hợp. Đồng thời theo dõi chặc chẻ chức năng hô hấp và chức năng thận.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Cefadroxil

Thuốc Cefadroxil không được dùng cho những trương hợp sau:

Người có tiền sử mẫn cảm với Cefadroxil hoặc với các thuốc nhóm Caphalosporin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Trẻ em dưới 6 tuổi.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefadroxil cho những trường hợp sau:

  • Thận trọng với người bị dị ứng với kháng sinh nhóm Beta – lactam đặc biệt là Penicillin. Vì có xảy ra phản ứng quá mẫn chéo bao gồm phản ứng sốc phản vệ xảy ra giữa người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm Beta – lactam.
  • Thận trọng khi sử dụng Cefadroxil ở người suy chức năng thận. Trước và trong khi điều trị, cần theo dõi lâm sàng cẩn thận Cần theo dõi và xét nghiệm chức năng thận trước và trong trong khi điều bằng Cefadroxil ở người bệnh suy thận.
  • Dùng Cefadroxil dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chứng không nhạy cảm, cần theo dõi người bệnh cẩn thận, ngừng sử dụng thuốc nếu bị bội nhiễm.
  • Thận trọng khi sử dụng Cefadroxil ở người có bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng. Vì Cefadroxil làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy.
  • Thận trọng khi sử dụng Cefadroxil chung với các thuốc gây độc cho thận như các aminoglycosid có thể làm tăng độc tính trên thận.
  • Khuyến cáo không sử dụng Cefadroxil cho trẻ sơ sinh.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, chưa có dữ liệu lâm sàng nào về tác dụng có hại của Cefadroxil cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Khuyến cáo không sử dụng Cefadroxil trong thời kỳ mang thai. Chỉ dùng thuốc Cefadroxil trong thời kỳ mang thai khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Cefadroxil có bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ nhất định. Khuyến cáo không dùng thuốc Cefadroxil với người mẹ đang cho con bú.
  • Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Cefadroxil có thể gây ra tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, kích động.

8.Thuốc Cefadroxil gây ra tác dụng phụ nào

Thường gặp: Rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Ít gặp: Ban sần da, ngứa, nổi mề đay, tăng bạch cầu ưa eosin, tăng transaminase có hồi phục, đau tinh hoàn, viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida.

Hiếm gặp: Ban đỏ đa hình, phù mạch, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng Lyells), pemphigus thông thường, vàng da ứ mật, tăng nhẹ AST, ALT, viêm gan, viêm đại tràng giả mạc, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, đau đầu, tình trạng kích động, nhiễm độc thận có tăng tạm thời ure và creatinin máu, viêm thận kẽ có hồi phục, co giật khi dùng liều cao và người suy chức năng thận, phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh, sốt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, dương tính với thử nghiệm Coombs, thiếu máu tan máu.

Theo cô Đỗ Ngọc Hân Giảng viên Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết thêm thì trong quá trình điều trị bằng thuốc Cefadroxil, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Cefadroxil, cần tham khảo ý kiến hướng dẫn của chuyên gia tư vấn để xử trí kịp thời.

Thuốc Cefadroxil gây ra các tác dụng phụ

9.Cefadroxil tương tác với các thuốc nào

Các kháng sinh kìm khuẩn như Tetracyline, Erythromycin, Chloramphenicol, Sulphonamides: Vì khi phối hợp chung với Cefadroxil có thể xảy ra tác dụng đối kháng.

Các thuốc kháng sinh aminoglycoside, Polymycin B, Colistin, thuốc lợi tiểu quai như Furosemid liều cao:  Khi sử dụng dồng thời với Cefadroxil sẽ làm tăng độc tính trên độc thận.

Cholestyramin: Làm chậm sự hấp thụ của Cefadroxil do gắn kết với Cefadroxil ở ruột khi được kết hợp chung.

Probenecid: Làm tăng và kéo dài nồng độ Cefadroxil huyết tương và mật do làm giảm bài tiết của Cefadroxil khi được kết hợp đồng thời.

Thuốc chống đông máu hoặc thuốc ức chế kết tập tiểu cầu: Cần theo dõi chặt chẽ các thông số đông máu để tránh các biến chứng chảy máu khi sử dụng chung với Cefadroxil.

Thuốc tránh thai đường uống: Khi sử dụng chung với Cefadroxil sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc tránh thai đường uống.

Tóm lại, tương tác thuốc với thuốc hay thuốc với thực phẩm có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thông báo những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc dược liệu hay thực phẩm, đồ uống có nguy cơ để sử dụng thuốc hợp lý, và đạt hiệu quả trong điều trị.

10.Bảo quản Cefadroxil như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược Cefadroxil được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, tránh ẩm, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/cefadroxil.html
  2. Medicines.org.uk: https://www.medicines.org.uk/emc/product/6543

Bình luận

bình luận

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 – 0788.913.913